Trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Hải quân trên... núi

TT - Không sống giữa biển đảo với tiếng sóng vỗ dạt dào, những người lính hải quân trẻ ấy lại ở trên chóp núi cao gần 400m để canh giữ biển.
Thiếu úy Vương Huy Thọ (trái) và thiếu úy Nguyễn Văn Hợi quan sát vùng biển Phú Yên từ trạm rađa 560 trên đỉnh núi Chóp Chài - Ảnh: Duy Thanh
“Tuy không sống với biển nhưng công việc của chúng tôi gắn liền với biển” - thượng úy Trần Văn Chiến, 32 tuổi, trạm trưởng trạm rađa 560, bộc bạch với chúng tôi tại điểm cao 391m trên đỉnh Chóp Chài (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
“Mắt thần” giữ biển
Trạm nằm ngay trên đỉnh Chóp Chài. Ở đó, một lực lượng thuộc Vùng 4 hải quân Việt Nam luôn túc trực 24/24 giờ, với nhiệm vụ phát hiện tất cả mục tiêu lạ trên mặt biển, trên tầm thấp của bầu trời, kịp thời bảo vệ biển trời Tổ quốc.
“Những con mắt thần của biển”
Thượng tá Ngô Mậu Bình - phó chủ nhiệm chính trị Vùng 4 hải quân - cho biết: Vùng 4 hải quân có bốn trạm rađa tại Chóp Chài (Tuy Hòa, Phú Yên), Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa), Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận). Các trạm này tạo nên một hệ thống quan sát liên hoàn trên vùng biển rộng và vùng trời Nam Trung bộ. “Chúng tôi ví những trạm rađa này là những con mắt thần của biển - ông Bình nói.
Từ điểm cao này, hai thiếu úy trẻ Vương Huy Thọ và Nguyễn Văn Hợi dùng ống nhòm tiêu cự lớn để quan sát kỹ vùng biển rộng lớn loang loáng ánh bạc trong ánh nắng mai. Thiếu úy Thọ nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là nhìn thấu những diễn biến đang xảy ra trên mặt biển và không phận tầm thấp của tỉnh Phú Yên”.
Chiếc chảo rađa trên nóc nhà của trạm liên tục quay tròn, quét “tia mắt thần” đi xa hàng chục hải lý, từ đó truyền những tín hiệu “bắt” được về trung tâm để các sĩ quan chỉ huy, trắc thủ rađa, nhân viên tiêu đồ, chiến sĩ thông tin, kỹ thuật cơ điện... giải mã. Thượng úy Trần Văn Chiến cho biết: “Với những chiến sĩ rađa của lực lượng hải quân, màn hiện sóng rađa được ví như chiến trường, còn đài, trạm là nhà, biển đảo là quê hương”.
Quen với khó khăn
Để có thể nhìn xa trông rộng, lực lượng hải quân rađa phải sống trên núi cao, khó khăn luôn thường trực. Dù chỉ cách trung tâm TP Tuy Hòa vài cây số, nhưng cách các chiến sĩ hải quân ở trạm rađa 560 sử dụng nước sinh hoạt giống như ở Trường Sa! Đường từ chân núi lên đỉnh Chóp Chài chỉ hơn 3km, nhưng nhiều đèo dốc cao, không có phương án nào đưa nước lên được.
Cả đơn vị phải sử dụng nước mưa được hứng trong một bể lớn, tích trữ trong mùa mưa và dùng dè sẻn cho cả năm. Mùa nắng nóng ở Phú Yên kéo dài nhiều tháng liền, tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên, tiết kiệm nước sinh hoạt là một mệnh lệnh.
Thiếu úy Nguyễn Văn Hợi cho biết: “Chúng tôi phải dè sẻn từng giọt nước, hai ngày mới dám tắm một lần. Nước tắm xong dành để tưới cây, rau của đơn vị”. Ai cũng ý thức rằng nếu dùng nước “vung tay quá trán” thì phải... cuốc bộ xuống núi gùi từng can nước lên, mỗi lần gùi nước leo lên tới đỉnh Chóp Chài mất hai tiếng.
Khổ vì thiếu nước vào mùa nắng, nhưng mùa mưa với các chiến sĩ trạm rađa 560 cũng chẳng sướng gì. Đường lên núi toàn đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt nên việc tiếp phẩm cho đơn vị gặp không ít khó khăn. Sĩ quan, chiến sĩ của trạm thường dùng thực phẩm, lương khô dự trữ.
Chốn về của những anh lính Trường Sa
“Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chẳng đáng gì so với những khó khăn của đồng đội ở Trường Sa. Ở đất liền, chúng tôi có điều kiện hơn nên phải luôn thắp cháy ngọn lửa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc” - thiếu úy Vương Huy Thọ thổ lộ.
Hỏi ra, chúng tôi khá bất ngờ khi biết ở trạm radar 560 là nơi có hàng chục lính Trường Sa từng công tác. Hiện tại, đơn vị còn năm người từng công tác tại Trường Sa. Nhiều trắc thủ rađa sau những ngày công tác tại Trường Sa, trở về đất liền lại được bố trí lên các trạm rađa trên núi để “hồi sức”, chuẩn bị cho các chuyến ra đảo tiếp theo.
Thiếu úy Vương Huy Thọ nhập ngũ năm 1998, đến đầu năm 2011 đã bốn lần ra vào Trường Sa làm nhiệm vụ. Còn thiếu úy Nguyễn Văn Hợi, nhập ngũ năm 2003, đến nay cũng công tác ở Trường Sa ba lần. Nhưng giữ kỷ lục ở Trường Sa lâu nhất vẫn là thiếu úy Đinh Văn Sơn, ở đảo chìm Cô Lin từ cuối năm 2003 đến tháng 10-2006 (bình thường mỗi chuyến công tác ra đảo của các trắc thủ rađa chỉ từ một đến một năm rưỡi).
“Tôi muốn thử thách và rèn sức chịu đựng, bản lĩnh của mình trong sự khắc nghiệt ở đảo chìm, vì vậy đã quyết tâm và tình nguyện xin ở lại công tác tại đảo liên tục 37 tháng. Tôi thấy như vậy còn... chưa đủ, nên chắc trong thời gian ngắn tới lại xin ra Trường Sa thôi” - thiếu úy Sơn, 27 tuổi, bộc bạch.
DUY THANH (Theo Tuoitreonline)

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Về Tuy Hòa ăn cá ngừ đại dương

          Cách đây 20 năm, nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam bắt đầu tại Phú Yên và bây giờ đã lan ra nhiều tỉnh. Ăn cá ngừ đại dương cũng đã có ở nhiều tỉnh thành, nhưng các quán và cách ăn ở đất Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn được dân khảnh ăn đánh giá là sành điệu nhất.
Cá ngừ đại dương chế biến theo kiểu sashimi của Nhật thì ở Phú Yên rất nhiều. Quán bình dân, vỉa hè ở đường Lê Duẩn - TP Tuy Hòa, một đĩa 4 - 5 người ăn giá 15.000đ - 20.000đ. Quán sang hơn một chút có Mỹ Á trên đường Lê Lợi, Thanh Thủy trên đường Trần Hưng Đạo... một đĩa 3 - 4 người ăn giá cao hơn, từ 30.000đ - 40.000đ.
Cách chế biến món ăn này không khó. Mua cá về người nội trợ làm vệ sinh sạch sẽ, rồi cắt cá thành miếng 4x5x0,5 cm, sau đó xếp cá vào khay đem ướp lạnh. Khi thấy miếng thịt cá ngừ đông cứng, có màu sắc từ đỏ tươi chuyển sang hồng hoặc trắng hồng thì ăn được.
Món này thường ăn kèm với các loại rau thơm như: cải xanh, ngò tàu, ngổ, é quế, é ta, húng dũi, húng đứng... Những người sành ăn thì ăn kèm với cải đắng và nhiều loại ra khác tùy quán, tùy khẩu vị của khách.
Cách ăn cá ngừ là chuyện không khó nhưng phải được hướng dẫn. Trước hết chuẩn bị chén nước chấm. Thường là dùng nước xì dầu trộn đều với một ít mù tạt (dân Phú Yên thường gọi là bồ tạt), sau đó gắp miếng cá ngừ sống đã ướp lạnh bày sẵn trên bàn cho vào chén nước chấm để thấm đều khoảng 30 giây hay một phút, rồi rắc mấy hột đậu phộng rang (lạc rang) đã giã bể làm hai lên trên ăn cùng với các loại rau thơm, ớt, tỏi... Có người không ăn theo kiểu này, mà ăn theo cách: khi miếng cá ngừ đã thấm đều trong nước xì đầu có mù tạt, dùng lá cải cuộn tròn miếng cá ngừ để ăn cùng với rau thơm. Dù ăn bằng cách nào, khi đã nhai miếng cá ngừ thì người ăn sẽ có cảm giác đầu óc của mình như thanh thản hẳn nhờ mùi thơm đặc trưng của các loại rau thơm và chất nồng cay của mù tạt cùng các loại gia vị xông lên mũi, chạy lên óc, đôi khi làm cho nước mắt,
Ve Tuy Hoa an ca ngu dai duong
Món thịt cá ngừ đại dương với mù tạt, rau thơm, gia vị
nước mũi túa ra... hoành tráng! Thịt cá ngừ tuy dùng sống nhưng ăn theo kiểu này không còn mùi tanh, mà lại vừa dẻo, vừa giòn và có mùi thơm đặc trưng làm cho nhiều người vắng lâu ngày cảm thấy nhớ da diết. Món cá này khi ăn phải kèm theo ly rượu để hai chất nóng, lạnh trung hòa với nhau dễ tiêu hóa, kích thích ăn được nhiều. Ăn cá ngừ đại dương kiểu này, chúng tôi chưa hề thấy ai bị đau bụng... Sau đây là một vài món cá ngừ phổ biến tại Tuy Hòa:
Mắt cá ngừ chưng cách thủy (món "đèn biển")
Ở Tuy Hòa món này được xem là món ăn bình dân. Quán Mỹ Á bán món ăn này, mỗi phần ăn (một con mắt cá ngừ) khoảng trên dưới 10.000đ, tùy theo mắt to nhỏ, thường mắt cá ngừ bày bán ở đây mỗi con từ 1 - 2 lạng. Cách chế biến: Mắt cá mua về rửa sạch. Chú ý cát lẫn vào mắt. Ướp các loại gia vị như hành, tiêu, ớt, tỏi, muối, bột ngọt... để cho thấm đều khoảng 15 - 20 phút thì cho vào nồi đất chưng cách thủy độ nửa giờ thì ăn được. Khi chưng cho thêm mấy vị thuốc bắc để khử mùi tanh và tăng chất bổ dưỡng. Ăn món này thường kèm với các loại rau thơm và kèm một vài ly rượu mạnh thì càng hợp khẩu...
Gỏi bao tử cá ngừ
Đây là món hiếm, ít được bày bán ở hàng quán, bởi ngư dân đánh bắt cá ngừ thường dùng món này trong lúc họ còn lênh đênh trên biển hoặc về "lưu hành nội bộ". Chỉ cần rửa sạch bao tử rồi bỏ vào nước lã luộc chín, sau đó rửa lại nước lạnh cho giòn, xắt thành miếng vừa ăn ướp với hành tây, tiêu, ớt, muối đường, mì chính... trộn đều là có món gỏi bao tử cá ngừ. Món này mà nhắm với rượu gạo nổi tiếng ở làng Quy Hậu (Phú Hòa - Phú Yên) thì chỉ có tuyệt vời... trở lên!
Cháo đầu cá
Đầu cá mua về rửa sạch, xẻ làm tư rồi cho vào nồi nấu cháo như các loại cá khác. Sau những lúc chén tạc, chén thù với bạn bè mà có được chén cháo đầu cá ngừ đang bốc hơi thì không mấy chốc hơi men sẽ thoát ra khỏi người và có được giấc ngủ sâu, khi dậy cảm thấy người vô cùng khoan khoái...
Hùng Phiên - Đắc Hoa
(Theo Thanh niên)

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Núi Nhạn, Tháp Nhạn...

Nhìn từ một góc khác...
Tháp Nhạn, một công trình cổ của người Chăm có từ hàng trăm năm nay, biểu tượng của tín ngưỡng Chămpa

Món Ngon Phú Yên " Đèn pha Đại dương"

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Hải chiến Trường Sa 1988: giành lại Len Đao (kỳ 5)


Hoàng Hường: Khi quyết định viết loạt bài Hải chiến Trường Sa, tôi chỉ nghĩ rằng đó là việc cần thiết để nhìn lại một sự kiện lịch sử và có sự vinh danh với các chiến sĩ trẻ tuổi đã ngã xuống vì chủ quyền đất nước. Và loạt bài viết được hưởng ứng nhiều hơn  mong đợi.

Tôi rất vui và đặc biệt cảm ơn những độc giả qua đường dây nóng, liên lạc trực tiếp với tôi và nhiều cách khác đã tìm địa chỉ của các anh để đến thăm hỏi giúp đỡ. Tôi được biết có hai đoàn doanh nghiệp và cựu chiến binh chuẩn bị vào Quảng Bình thăm hỏi và tặng quà những anh hùng đã lặng thầm trong hai thập kỷ nay.
Vẫn biết sự thăm nom giúp đỡ này là muộn màng và không thấm vào đâu so với mất mát các anh phải chịu, nhưng để giúp các anh được phần nào cá nhân tôi cũng cảm thấy vui mừng.
Nhân đây tôi xin cung cấp luôn điện thoại và địa chỉ của các anh để độc giả đỡ mất công.

Kỳ 5 của loạt bài vì một vài lý do đã không được xuất bản trên Tuần Việt Nam, xin được giới thiệu với độc giả tại đây.

Một lần nữa xin cảm ơn

Hoàng Hường

Mai Văn Hải, xóm 2, Thôn Tân Hợi, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch (01694291533),  từ quốc lộ Bắc Nam, đoạn cầu Gianh đi đường đất gần 20 km, các TP Đồng Hới khoảng gần 50 km
Lê Văn Đông (Thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình) 0983344701
Nguyễn Văn Thống, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình (ngay chợ Nhân Trạch)  01238681541
Lê Văn Dũng:  (Thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình) 0937000223
Hải chiến Trường Sa 1988: giành lại Len Đao
Một tháng sau, bộ đội Việt Nam đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.

Đảo Len Đao ngày nay
Kỳ 1: Nhân chứng
Kỳ 2: Vòng tròn bất tử
Kỳ 3: Cá mập
Kỳ 4: Nhà tù Trung Quốc

Trở lại với sự biến ngày 14/3/1988. Trước đó, ngày 11/3, nhiều chiến sĩ Trung đoàn E83 được lệnh khẩn lên tàu. Trung đội trưởng Đinh Xuân Toại (Đơn vị C7 – D3 – E83) lẽ ra cũng lên tàu HQ-604, nhưng đến giờ cuối, anh cùng một số chiến sĩ khác được điều chuyển sang tàu không số nhỏ hơn, chuyển hướng đến đảo Tốc Tan.
Khi đang xây dựng  nhà trên đảo này, các anh nghe tin đồng đội bên Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao bị tấn công. Cả ngày đó, cùng với lực lượng từ đảo Sinh Tồn và cụm đảo xung quanh đó, các anh đã cố gắng tiếp cận Gạc Ma tiếp cứu đồng đội, nhưng bị tàu Trung Quốc ngăn chặn nên không thể vào được.
Ngày hôm sau, khi đã đưa được những chiến sĩ thương vong về Sinh Tồn, đơn vị anh Toại được đưa về đất liền, chuẩn bị lực lượng chiến đấu.
Một tháng sau, các anh đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.
Chúng tôi có 35 lính công binh và 7 thủy binh, được Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trực tiếp chỉ huy, ra đi với quyết tâm giành lại đảo. Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị tư tưởng có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông, và họ cũng quyết liệt giành giật đảo của ta. Nhưng chúng tôi vẫn đi, quyết tử”.  Anh Toại kể lại.
Từ 2h sáng, các anh bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao, tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo. Các chiến sĩ không tiếp cận được.

Anh Đinh Xuân Toại
Buổi sáng ra, tình huống trước lặp lại: Trung Quốc cho tàu áp sát uy hiếp, lần này nhiều hơn: 7 tàu chiến Trung Quốc và vô số xuồng nhỏ vây quanh uy hiếp. Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của Việt Nam ít hơn rất nhiều. Hai bên liên tiếp gọi loa sang nhau khẳng định chủ quyền.
Lúc đó không khí căng như dây đàn, cả hai bên cùng chĩa súng vào nhau, sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy hai bên gọi loa sang nhau nói rất nhiều bằng tiếng Trung Quốc, tôi không hiểu lắm. Nhưng sau được nghe lại là phía Trung Quốc nói đây là đảo thuộc chủ quyền của họ, yêu cầu Việt Nam tránh xa. Phía mình cũng nói lại đây là chủ quyền của nước Việt Nam và chúng tôi đang thực hiện của chủ quyền của Việt Nam. Hai bên cứ trao đổi một hồi, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Được một hồi, 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, phía tàu Trung Quốc tản ra và chúng tôi được yên ổn làm việc. Rất may hôm đó không xảy ra xung đột, không bên nào nổ súng”, anh Toại cho biết.
Trước đó, các anh đã được huấn luyện xây nhà cấp tốc trong đất liền. Một ngôi nhà kiên cố trung bình phải xây trong vài tháng, các anh được huấn luyện xây hoàn thiện trong hai tháng. Nhưng khi làm tại Len Đao, các anh phải làm nhanh hơn nữa, chỉ trong mười mấy ngày đã xây xong ngôi nhà tại đảo.
Sau khi xây xong nhà tại Len Đao, nhóm anh Toại tiếp tục di chuyển xây nhà tại đảo Đá Nam rồi gặp bão. Tàu của các anh bị xô dạt, chìm nổi trong bão 25 ngày mới quay lại được đất liền. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu được Ban chỉ huy Vùng 4 Hải quân khen thưởng.
Từ 1988 đến nay, Trung Quốc chiếm giữ Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ thành công Cô Lin và Len Đao.
Hiện nay trên quần đảo Trường Sa có mặt lực lượng của 4 nước 5 bên và yêu sách về chủ quyền có 5 nước 6 bênh, cụ thể:
+ Trung Quốc: Đánh chiếm 7 đảo đá: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Huy Gơ, Ga Ven năm 1988, và tháng 1/1995 đánh chiếm bãi đá Vành Khăn.
+ Đài Loan: Chiếm đóng đảo Ba Bình năm 1956, cắm mốc bãi cạn Bàn Than năm 2005.
+ Philipin: Chiếm đóng 9 đảo: Song Tử Đông, Thị Tứ, Đảo Dừa, Loại Ta, Loại Ta Tây, Bình Nguyên, Vĩnh Viễn, Công Do, Bãi cạn Cỏ Mây.
+Malayxia: Chiếm đóng 7 đảo: Lusia, Sắc Lốt, Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân, Én Ca, Thám Hiểm.
+ Bruney: Không có đảo nào song vẫn yêu sách chủ quyền.
+ Việt Nam: Thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo: gồm 9 đảo nổi, 12 đảo đá ngầm với 33 điểm đóng quân (9 đảo nổi: Đảo Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca. 12 đảo đá ngầm: Đá Nam, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan).
Vài thông tin về cụm đảo Cô Lin và Len Đao:
Đảo đá Cô Lin nằm cách đảo Sinh Tồn 9 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi đá Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Len Đao 6,8 hải lý về phía Tây – Tây Nam. Đảo Cô Lin có hình dạng tam giác hơi cong, mỗi cạnh dài 1 hải lý. Khi thủy triều lên đảo chìm ngập trong nước, khi thủy triều xuống đảo chỉ lộ ra vài viên đá. Ở đảo Cô Lin và khu vực đảo Trường Sa có nhiều loài chim sinh sống, đặc biệt là cò và chim di cư theo mùa.  Xung quanh đảo có thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim, thu, ngừ và nhiều loài hải sâm có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay lực lượng hải quân đã xây dựng ở đây một nhà lâu bền và một nhà cao chân, cách nhau khoảng 100 met. Với vị trí tiền tiêu, Cô Lin phối hợp với các đảo khác của quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc; là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo; bảo vệ hướng phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Đảo Len Đao cách Cô Lin 6,4 hải lý về phía Đông. Cách đảo Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía Đông Nam. Bề mặt Len Đao tương đối bằng phẳng, khi nước thủy triều xuống bãi san hô nổi lên 0,5 met, khi triều lên nước ngập 1,8 met. Bãi sản hô trên đảo lấy tâm là nhà lâu bền cứ xoay một vòng là hết một năm. Vào tháng 3, tháng 4, gió mùa Đông Bắc bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo.

Trích cuốn “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)” do Cục chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân xuất bản năm 2011.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

VUA CỞI TRUỒNG (SƯU TẦM )

VUA CỞI TRUỒNG
     (SƯU TẦM)

Một hôm, có tay thợ may nọ vào hoàng cung dâng lên đức vua một bộ y phục cực kỳ quý giá. Nó không được dát vàng hay đính đầy kim cương đá quý, cũng không được dệt từ thứ tơ lụa cực hiếm chỉ dành riêng cho các tiên nữ nhà trời - mà giá trị ở chỗ - nó có khả năng đo lường lòng trung thành của thần dân đối với nhà vua. Lòng trung thành của ai càng cao thì càng cảm nhận được màu sắc rực rỡ và đường nét tinh xảo của món hàng vô tiền khoáng hậu ấy. Ai nấy đều không giấu nổi sự háo hức để được chiêm ngưỡng bộ y phục kỳ lạ.

Khi nhà vua xuất hiện trước sân rồng để ướm thử bộ cánh thần kỳ, hết thảy quan quân lớn bé suýt chút nữa buột miệng: "Ôi! sao bệ hạ lại cởi...", nhưng kinh nghiệm luồn cúi bao nhiêu năm chốn quan trường kịp thời ngăn họ lại, nên không có ai đến nỗi phải rơi đầu. Mỗi người vận dụng óc tưởng tượng của mình theo một cách khác nhau, nên họ thoải mái ca ngợi vẻ đẹp của bộ "ngự bào" mà không sợ bị "đụng hàng". Kẻ ví nó rực rỡ như cầu vồng ngũ sắc, người so bì nó với muôn vạn loài hoa trong vườn thượng uyển chốn thiên cung...

Đức vua lấy làm đắc ý lắm, trong người lại cảm thấy thoải mái bội phần vì không vướng bận thứ gì cả, cứ tung tăng đi lại, hàng họ thì lộ cả ra mà nào ai dám hó hé. Thói quen biểu thị quyền uy thúc bước nhà vua quá bộ khỏi cấm cung. Trưởng thôn và quan lại các cấp rất nhạy bén với chuyện thời sự, bèn vận động dân chúng trong hoàng thành đổ xô ra đường nhằm biểu dương tinh thần quán triệt sâu sắc chủ trương dùng ngự bào quý báu để đo lòng trung thành. Họ vung tay hô lớn:
- Đức vua vĩ đại quang vinh muôn năm!
- Đức vua đời đời sống mãi trong trái tim của các thần dân chúng ta muôn năm!

Những tay bồi bút chộp ngay lấy cơ hội tung ra nhiều bài tham luận dài lê thê, hơn mấy chục lần nhấn mạnh:
- Phong thái của nhà vua hôm nay thể hiện đỉnh cao trí tuệ tuyệt vời, cao gấp vạn triệu lần bọn kẻ thù!
- Vị anh hùng đức vua chúng ta mà rút gươm ra thì các thế lực thù địch chỉ còn đường giãy chết!
- Con đường ngài đang đi và sẽ dẫn chúng ta đi theo là chân lý sáng ngời soi sáng cho cả nhân loại!...

Tiếng vỗ tay tung hô vang dậy cả một góc trời. Nhà vua ngất ngây trong hạnh phúc, các mạch máu trong người chạy rần rật. Lẽ tự nhiên, các thể hang ở khu vực hàng nhạy cảm cũng nhận được máu bơm về, "cái ấy" ngồng ngộc dựng với phương nằm ngang một góc tầm 45°. Một cô gái trong đám đông có phần mẫn cảm la lên 1 tiếng: -É... rồi kìm ngay lại tức thì. Nhà vua quắt mắt quay ngang, cả biển người xung quanh bỗng lặng ngắt như tờ. Mọi người đang lấm lét chờ đợi kết cục của cô gái xấu số nọ, thì bỗng dưng, tiếng một đứa trẻ con lanh lảnh cất lên:

- Cái ông này làm sao lại cởi truồng đi giữa phố?

Mọi con mắt lập tức đổ dồn về phía thằng bé chừng 4-5 tuổi. Bà mẹ ở phía sau chen lên quỳ mọp xuống lạy như tế sao:

- Muôn tâu thánh thượng, xin ngài mở lượng khoan hồng cho con trẻ dại mồm dại miệng ạ, vợ chồng chúng con cam kết sẽ uốn nắn cháu ngay ạ!

Đoạn quay sang thằng bé mắng như té nước:

- Mày giết bố mẹ rồi biết không con, nuôi mày tốn bao nhiều cơm gạo áo quần, thức đêm thức hôm, còn chưa kể đến tiền dạy thêm học thêm... Thế mà sao giờ mày lại ăn nói nhảm nhí thế này, giời ơi là giời...

Thằng bé ấm ức:

- Sao mẹ lại mắng con chứ, con thấy thế nào thì nói thế ấy chứ!

- Giời ơi, lại còn cãi cơ à? Mày xem hàng trăm hàng nghìn người xung quanh có ai nói như mày không?

- Kệ họ chứ, họ khen vua mặc đẹp là quyền của họ, con thấy ổng không mặc gì thì con bảo ở truồng...

- Giời ơi, lại ở truồng với cả ở chuồng, mày có muốn sống nữa không hả con ơi là con giời ơi là giời...

Một viên quan đi đến quát lên:

- Thôi đừng kêu giời nữa, bà biết con bà phạm trọng tội chưa?

- Dạ bẩm nhà cháu biết rồi ạ, mong quan lớn mở lượng hải hà...

- Hà bá với cả thổ thần cái gì, muốn thoát tội thì ký xác nhận vào đây!

- Thưa tờ giấy gì đấy ạ?

- Còn giấy gì nữa hả, đây là giấy ông bà xác nhận thằng con ông bà bị tâm thần phân liệt nên ăn nói lung tung, như thế nhà vua sẽ không bắt tội, rõ chưa? Có ký không thì bảo?

- Thưa ký ạ, ký ngay ạ!

Quan lệnh cho quân lính cô lập thằng bé lại, quyết liệt không để tin xấu lan ra làm ảnh hưởng đến danh dự của đức vua và uy tín triều đình.

Cuộc biểu diễn trang phục nhà vua để đo lòng trung thành dân chúng lại tiếp tục diễu qua phố khác. Trời đã dần về trưa, mấy tay thị nữ phải cầm lọng theo che, thỉnh thoảng lại ngó vu vơ, mặt đỏ bừng mà chẳng dám cười, trông thật tội nghiệp. Đến một góc phố nọ, có tay trung niên ngồi dựa bờ trường đọc sách, làm như không thấy đoàn ngự giá đến nơi, ngoảnh mặt nói bâng quơ:

- Thời buổi gì mà nịnh thần đông như quân Nguyên. Thấy tồng ngồng thì cứ cười toẹt nó lên, việc đếch gì cứ phải khen nịnh! Nhục như con cá nục!

Tể tướng đưa mắt cho viên quan ban nãy, ý muốn đem chiêu "tâm thần phân liệt" ra dùng lại.

- Bẩm tể tướng, không được đâu ạ!

- Sao lại không?

- Dạ thứ nhất là nhìn điệu bộ thằng này nó nhất định không ký đâu ạ, thứ nữa, nó nguyên là thầy đồ dạy chữ cho cả xóm này, nếu nó ký nhận hóa ra cả xóm đều bị điên sao được ạ?

- Thế tra xem nó đã đóng thuế đinh chưa?

- Thưa rồi ạ!

- Thế nó không có tiền án tiền sự gì à, không trộm cắp cướp giật của ai ư?

- Bẩm làm thầy đồ thì đâu làm thế được ạ!

- Thế mày không nghĩ cách gì gô cổ nó lại à? Cho người đổ phân vào nhà nó, gây gổ đánh nhau với nó là xong chứ gì!

- Bẩm vâng, quả là cao kế! cao kế ạ!

- Làm cho khéo đấy, nhất định phải tạo cho được sự đồng thuận tin tưởng của dân chúng với đức vua, với triều đình, rõ chưa!

Mặt trời đã lên cao, đoàn ngự giá đang chuẩn bị quay bước về cấm cung thì bỗng thấy từng nhóm người xôn xao, tụ tập chuyền tay nhau những tờ giấy khổ lớn trông giống như khuôn dạng hịch truyền. Một tờ được chuyển đến cho tể tướng, đức vua ngó thấy sắc mặt bần thần khó ở của y bèn hỏi gắt:

- Chuyện gì đấy?

- Dạ bẩm, dạ bẩm...

- Nói!

- Bẩm có kẻ tuyên truyền xuyên tạc nói xấu người thợ may áo quần cho bệ hạ. Chúng nói rằng sách lược của người thợ may đã bị phá sản bên trời Tây, dân chúng bên ấy đã giật sập tượng sư tổ thợ may và ném cương lĩnh của ông ta vào sọt rác rồi. Tờ hịch còn cảnh báo nếu cứ tiếp tục tin dùng sách lược của thợ may thì sẽ đưa đất nước đến cảnh điêu linh...

- Quân này láo, nói thế hóa ra con đường mà tiên đế ta đã sáng suốt lựa chọn là sai lầm ư? Điều tra ngay nó là thằng nào, bắt gô cổ xử tội ngay!

- Bẩm người này xuất thân từ Bộ Hình, lại am tường luật lệ, khó mà bắt bừa được ạ!

- Sao lại không được! Luật là trẫm mà trẫm cũng là luật đây, có chuyện gì mà không làm được? Vứt mấy cái yếm cung nữ - loại đã có mùi mồ hôi đàn bà ấy - vào phòng nó rồi lấy cớ thông dâm mà bắt người trước đã. Khi ra pháp đình xét xử nặng nhẹ thế nào là cứ soạn sớ sẵn cho Quan-Bao-Che luận tội, nhớ chửa!

- Tâu vâng! Bệ hạ quả đúng là trí tuệ đinh cao ạ!

- Về sau hễ có ai nói xấu thợ may hoặc chê trẫm ở truồng thì cứ khép vào tội tuyên truyền phỉ báng triều đình mà xử, rõ chưa?

- Tâu vâng!

...


- À, mà này trẫm nghe nói gần đây trong bá tánh mới xuất hiện một loại cung tiễn gì thần hiệu lắm hả?

- Tâu bệ hạ, đó là phát kiến của người phương Tây. Nhờ đó từ nay dân chúng không cần dùng lừa ngựa đưa thư nữa, ai muốn trao đổi tin tức thư từ với nhau cứ ghi rõ tên họ địa chỉ rồi gắn tin vào đầu mũi tên mà tác xạ, dù ở xa đến vạn dặm cũng đến liền trong nháy mắt, rất chi là lợi hại ạ!

- Thế ở ta tình hình tiếp thu như nào?

- Bẩm, hiện nay ở ta có rất nhiều hãng cung cấp cung tiễn như là Mặt-Sách, Điểm-Ký, Ấn-Bản-Từ, Nhân-Bội... nhiều không kể xiết ạ!

- Quả là thần diệu! Thần diệu!... Ấy chết, mà như thế nhỡ có đứa nào nói xấu thợ may hoặc chê trẫm ở truồng thì chúng phao tin cho nhau cùng biết cả à?

- Tâu vâng!

- Không được, quyết không thế được! Triều đình ta là vận dụng cơ chế Pháp-Quyền-May-Sẵn, làm sao lại có chuyện tùy tiện đưa tin như thế được. Mở kho lấy ngân khố huấn luyện thật nhiều quân binh chuyên việc nghe trộm xem lén tin tức, thấy hãng nào hay đưa tin xuyên tạc chuyện ngự bào của trẫm thì cứ cấm cửa không cho hoạt động.

- Tâu vâng, thần sẽ làm ngay không chậm trễ ạ!... Nhưng như thế e rằng có những người trao đổi tin tức đơn thuần như học thuật, giải trí... sẽ bị vạ lây sao ạ? Vả lại, làm thế sẽ kìm hãm Dân Trí và các quốc gia lân bang lại chê cười triều đình ta bóp nghẹt Tự Do đấy ạ!

- Thây kệ mẹ chúng nó chứ! Dân Trí Dân Sinh với cả Tự Do Bình Đẳng là chuyện nhỏ, sự ổn định của triều đình ta mới là chuyện đại sự, nhà ngươi không quán triệt được à?

- Tâu thần đã rõ rồi ạ!


Từ đấy dân chúng răm rắp nghe theo đường lối sáng suốt của triều đình, nguyện chung tay một lòng một dạ xây đắp con đường mà người thợ may đã lựa chọn giùm. Chẳng mấy chốc dân trí phát triển vượt bậc, đến độ người ta không bận tâm đến chuyện trắng đen phải quấy, ai muốn bảo sao cũng tốt, cốt sao mình được yên phận là được. Đời sống tinh thần nhờ thế mà thăng hoa theo, cảm xúc con người được tôi luyện đến mức coi chuyện tham nhũng hối lộ là thường ngày, đâm chém giết hiếp là vặt vãnh, ăn gian nói dối là đương nhiên, người hiền thì khó kiếm mà kẻ ác như rươi, Thạch Sanh thì ít Lý Thông lại nhiều...
Thôi thì tiền đồ đất nước đi về đâu cũng không mấy khó đoán!

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Không chỉ mang nét duyên của thành phố ôm trọn hai ngọn núi, Phú Yên còn mê đắm lòng người ở những đầm nước trong vắt, những bãi biển bao la, gành đá đĩa kỳ thú.
Núi Nhạn
Nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, tọa lạc trong trong khu vực nội thị thành phố Tuy Hòa, núi Nhạn, (hay còn gọi là núi Bảo Tháp, Núi Dinh) tựa như một lá phổi xanh khổng lồ có hình một chú chim nhạn đang tung cánh. Ngoài vẻ hùng vĩ của những tán cây rừng, núi Nhạn còn “hút” ánh mắt của du khách với tòa tháp Chăm cao sừng sững trên đỉnh núi. Màu xanh của cây, màu gạch chàm khiến ngọn núi trở nên linh thiêng và bí hiểm. Sau khi chinh phục chiều cao của ngọn núi, ngắm những họa tiết trang trí trên tháp, khám phá hang Hàm Rồng, du khách sẽ phát hiện một thành phố Tuy Hòa khác với những những ruộng lúa chen giữa những toà nhà, cùng bức tranh nước thanh bình của sông Đà mang lại nét thanh bình và dân dã nhìn từ núi Nhạn.

Núi Nhạn thuộc địa phận phường I, thành phố Tuy Hòa.


Vực phun
Vực phun tọa lạc tại xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Tên gọi của địa danh gắn với việc nhìn từ xa, có cảm giác dòng nước đang phóng ngược từ vực nước xanh ngắt, đập mạnh vào vách đá, tung bọt trắng xóa, chứ không phải là hình ảnh thác nước lao xuống từ độ cao 15m rồi hoà vào vực. Ngoài cảm giác thư giãn khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của dòng suối dưới chân thác, cái thú vị là người ta được khám phá những bí ẩn của vùng núi Đá Đen hay men theo đường mòn khám phá thượng nguồn sông Bánh Lái.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan gắn với truyền thuyết về một nàng tiên tên Loan, cưỡi chim ô thước dạo chơi vùng trời Nam. Khi đến vùng đất này, nàng nảy sinh tình yêu với chàng trai nghèo siêng năng, chăm chỉ, nên nàng ở lại trần gian bầu bạn cùng chàng.
Vào lúc bình mình, khi mặt trời vừa nhô lên từ những triền núi thấp, đầm Ô Loan trông như một chú chim khổng lồ đang trong tư thế sẵn sàng tung cánh bay vút lên bầu trời. Cũng góc nhìn ấy, nhưng trong ánh sáng nhập nhoạng của hoàng hôn, đầm tựa như một con chim đang xoải cánh tìm chốn bình yên bên mặt hồ gợn sóng.
Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp say lòng người của đầm, đến đây du khách còn được thưởng thức thủy sản phong phú, đặc biệt là món sò huyết Ô Loan nổi tiếng.
Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, Phú Yên.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Nhìn từ xa, gành trông như những chồng đĩa trong lò gốm hay trò chơi logo nhô ra ngoài biển. Du khách có thể dạo chơi trên những tầng đá, cảm nhận vị mặn của biển, cái rát nhẹ của gió, cảm giác ồn ào của những đợt sóng đập mạnh vào bờ, hay ngắm những đoàn thuyền trên biển. Sau khi thỏa thích dạo chơi trên gành, bãi tắm trải dài gần 3km hứa hẹn mang đến cho du khách những giây phút thư giãn. Nếu thích, du khách cũng có thể thử tài cần thủ với những loại cá biển sống trong các gành đá hay đi cạy ốc vú nàng.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Đảo hòn Chùa
Hòn Chùa nằm ngoài khơi vùng biển Long Thuỷ, thuộc xã An Phú, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cách bờ khoảng 7km. Nhìn từ đất liền, đào như một tấm thảm xanh phủ trên mặt trên biển. Song đến gần lại thấy đảo được tạo nên bởi những tầng đá chồng lên nhau. Do đặc điểm đó, trên đảo không có cây lớn mà chỉ có những bụi cây thấp và những trảng cỏ trải dài. Đến đảo, ngoài thưởng thức món mực nang nổi tiếng của nơi này, du khách còn có thể ngắm những những bụi san hô nhiều màu sắc nằm trong khu vực biển đảo.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Đại lãnh làm say lòng người với bãi Môn trong veo, những triền cát trải dài nhấp nhô như những loạt sóng trên cạn. Không chỉ được tắm biển, đến đây, du khách còn được tắm mát trong dòng nước lúc ngọt, lúc lợ của con suối hiền hòa chảy quanh năm. Nhưng thú vị nhất là men theo đường mòn, lên ngọn hải đăng, ngắm vùng biển bao la xanh ngát, những đoàn tàu chậm chậm trôi, những núi đá hình dáng kỳ lạ hay trở thành một trong những người đón ngày mới sớm nhất tại "ngọn hải đăng cực đông" của Tổ quốc.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Vũng Rô
Là một vịnh nhỏ được thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Vịnh được bao bọc trong ba dãy núi cao là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà. Vũng Rô có 12 bãi nhỏ là Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Hàng, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn. Mỗi bãi có một đặc điểm riêng nhưng đều hữu tình với những cung biển xanh ngát, những triền cát trải dài phù hợp cho khách tham quan, tắm biển hay thưởng thức hải sản. Du khách cũng có thể thuê thuyền của ngư dân ra biển khám phá cái bao la của đại dương hay chinh phục đỉnh Đá Bia lúc nào cũng chìm trong sương trắng gần đó.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
Vịnh Xuân Đài
Từ trên đỉnh dốc Găng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình với rừng dừa bạt ngàn, núi non hùng vĩ bao bọc lấy một vùng nước non trong xanh của vịnh Xuân Đài thuộc địa phận các xã Xuân Thọ, Xuân Thịnh và thị trấn Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào cùng nhiều đảo, bán đảo. Các bãi tắm của nơi đây đều sở hữu làn nước trong vắt và không sâu, du khách có thể bơi ra xa mà không sợ nguy hiểm.
8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên
An Huỳnh
Theo Bưu Điện Việt Nam